Đặc điểm địa hình và Lịch sử Bảy Núi

Một phần núi Cô Tô (trong Bảy Núi) đang bị khai thác đá.

Nói về mặt tự nhiên của vùng Bảy Núi, sách Gia Định thành thông chí mô tả: Hang núi ngậm mây, suối cong nhả ngọc, lại có những cây giáng hương, tóc hương, cây cối xanh um, cầm thú béo mập. Phía đông có ruộng đồng bằng phẳng, phía tây có hồ nước... Ngoài ra, còn nghe gà gáy dưới bóng trăng, chó sủa trong hang động, cảnh huống yên hà ngoài thế giới vậy[4]

Ở trong sách trên còn cho biết sự hiện diện của những người Việt đến sinh sống, hòa nhập với người Khmer, ở vùng Bảy núi vào mấy thế kỷ trước. Họ đến để khai thác nguồn lợi thiên nhiên, lập vườn cây ăn trái, trồng hoa màu, tìm dược thảo, làm ruộng ở chân núi, bắt cá vào mùa hạn ở các ao đìa...

Sau này, vùng Bảy Núi còn là nơi hội tụ của những sĩ phu yêu nước trong phong trào Cần Vương.[5] Vì nơi đây vừa có đồng bằng thuận lợi cho việc canh tác, vừa có núi rừng trú ẩn, có lối trốn sang nước Campuchia, nếu bị đối phương lùng sục...Cho nên rất nhiều người đã tìm đến đây, mỗi người mang mỗi tâm trạng, đến để chuẩn bị chiến đấu, để chờ thời cơ hay chỉ để lãng quên thực tế....Vì vậy, vùng đất này gắn liền tên tuổi của nhiều danh nhân như: Đoàn Minh Huyên[6], Thủ Khoa Huân, Trần Văn Thành, Ngô Lợi, Phan Xích Long, Trương Gia Mô...

Đây cũng là nơi hội tụ nhiều ông đạo, bởi vậy có câu: Tu Phật Phú Yên, tu tiên Bảy Núi.[2]

Vùng Bảy Núi còn là nơi có nhiều lễ hội, phong tục... đặc thù của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ, như lễ Chol Chnam Thmay, lễ Pisat bo chia, lễ Pha Chum Bênh (tức lễ Đôn Ta)...và đặc biệt hơn cả là lễ hội Đua bò Bảy Núi được diễn ra vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 hằng năm...

Ngoài ra, Bảy Núi còn là phên dậu nơi chốn biên thùy. Vua Gia Long đã từng nói:Địa thế Châu Đốc, Hà Tiên cũng không kém Bắc Thành...

Và là nơi có vô số danh lam, thắng cảnh...

Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca, có câu:

Thất Sơn, hòn dọc dãy ngang,Nói sao cho hết cả ngàn phong cương.[7]